Xưởng chuông gió nhạc thiền của anh Hồng Đức, 34 tuổi, cho ra đời 300 sản phẩm mỗi ngày, giá bán lên tới 12 triệu đồng một bộ.
Nguồn: https://vnexpress.net/ky-su-cong-nghe-thong-tin-bo-nghe-di-lam-chuong-gio-4393675.html
Anh Trần Ngọc Hồng Đức ở Bình Quới, quận Bình Thạnh, đã sản xuất và kinh doanh chuông gió nhạc thiền từ năm 2012. Đây là loại chuông phát ra âm thanh ở tần số 432 Hz, được cho là là tần số chữa lành tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe.
Trước khi đến với loại hình nghệ thuật này, anh Đức là kỹ sư công nghệ thông tin. Năm 2012, trong chuyến thăm thiền viện Chơn Không (Bà Rịa – Vũng Tàu), anh bất ngờ “phải lòng” với âm thanh phát ra từ những tổ hợp chuông gió lớn ở chánh điện.
Sau lần đó, anh tự mày mò tìm hiểu và bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo loại chuông gió này. “Tôi cũng thất bại nhiều lần, phải bỏ hàng đống sản phẩm”, anh Đức tâm sự.
Hiện nay, anh đã có xưởng sản xuất rộng khoảng 400 m2, với 5 nhân công làm việc thường xuyên.
Năm 2017, anh Đức nghỉ hẳn nghề công nghệ thông tin, chuyên tâm làm chuông gió.
Vật liệu để làm chuông là những ống nhôm, sơn tĩnh điện, đủ kích thước, có chiều dài khoảng 3,3 m và độ dày từ 15 đến 60 mm.
Theo anh Đức, công đoạn cắt các ống nhôm rồi khoan lỗ để xỏ dây rất quan trọng. Người cắt, khoan không chỉ phải làm đúng kỹ thuật mà còn phải có khả năng cảm thụ âm thanh.
“Cắt chuẩn xác sẽ ra tần số chính xác khi hoà âm, khoan đúng điểm chết của ống thì không ảnh hưởng tới âm thanh. Mỗi loại chuông, chỉ khác xíu sẽ ra âm khác nhau ngay”, chủ xưởng cho biết.
Các ống nhôm sau khi cắt được xếp lại và thẩm âm bằng muỗng.
Sau khi cắt và thẩm âm, các đầu ống được mài nhẵn, bo tròn và vệ sinh sạch bên trong. Công việc này cũng cần sự tỉ mỉ của thợ, bởi chỉ một vết xước nhỏ trong lòng ống cũng làm âm thanh bị “méo”.
Nhân viên xỏ dây vào các lỗ để kết nối các ống lại với nhau, tạo hình chuông gió. Trung bình, mỗi sản phẩm mất từ 2 đến 3 ống vật liệu.
Ở ngoài sân, anh Trí, công nhân của xưởng, sơn dặm sản phẩm, lấp những vết trầy xước trong quá trình gia công. “Tôi làm ở đây 3 tháng, thấy công việc này khá thú vị. Làm chuông không chỉ tay nghề tốt mà còn phải biết cảm thụ âm thanh, cẩn trọng, trung thực vì mọi thứ đều gia công bằng tay, sai một bước nhỏ cũng không được”, Trí nói.
Mỗi chuông gió có giá từ 400.000 đồng đến 12 triệu đồng. Những đợt cao điểm, xưởng sản xuất hơn 300 bộ chuông mỗi ngày.
Những khi không ở nhà xưởng, anh Đức lại thiết kế sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của khách hàng.
Trong phòng khách, anh còn trưng bày bộ sưu tập hơn 20 loại chuông của Việt Nam và nhiều nước khác, trong đó có những sản phẩm phải mua đấu giá ở nước ngoài.
Khách đến mua chuông thường là những người tập thiền, tu hành, nhà chùa… Nhiều người còn đến để tìm hiểu về âm nhạc trị liệu, cách sử dụng và giá trị văn hoá của những loại chuông.
Thời điểm trước dịch, trung mỗi tháng anh Đức bán được gần 1.000 chuông gió.