Thương hiệu chuông gió nhạc thiền Dofrance đầu tiên của Việt Nam hiện đang được xuất đi khắp các tỉnh thành và đang vươn sang thị trường các nước trong khu vực.
Ý tưởng khởi nghiệp đến từ một lần tình cờ ghé thăm thiền viện Chơn Không (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) năm 2012, hiện nay Trần Ngọc Hồng Đức (Đức Trần) là người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất chuông gió nhạc thiền.
Thương hiệu chuông gió nhạc thiền Dofrance hiện đang được xuất đi khắp các tỉnh thành của Việt Nam và đang vươn sang thị trường các nước trong khu vực.
Đức Trần đang ấp ủ tham vọng Dofrance trở thành một trong những thương hiệu chuông gió nhạc thiền hàng đầu thế giới.
Năm 2012, trong chuyến công tác tại Vũng Tàu, trong một lần tình cờ đi tìm chút tĩnh lặng, Đức Trần đến thăm thiền viện Chơn Không, ngôi chùa do hòa thượng Thích Thanh Từ lập ra theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ở đây, Đức Trần đã bị lôi cuốn bởi những giai điệu du dương. Sau một hồi ngây ngất, anh nhận ra âm điệu đó được phát ra từ những tổ hợp chuông gió rất to treo tại chánh điện của ngôi chùa.
“Chúng đung đưa trong gió cùng đồng thanh cộng hưởng với nhau mang đến những âm thanh tự nhiên thật lung linh và bất tận, như tiếng chim thánh thót vui đùa. Tôi cảm thấy trong lòng rất thoải mái, tươi tỉnh và đầy phấn chấn,” Đức Trần nhớ lại lần đầu tiên được nghe âm thanh phát ra từ những chiếc chuông gió nhạc thiền.
Tiếng chuông gió “quyến rũ” Đức Trần đến mức, nó đã thôi thúc bước chân của anh phải tìm đến tận nơi treo chiếc chuông gió đó.
Khi đến gần chiếc chuông, Đức Trần nhìn thấy dòng chữ “made in USA”, và biết được nó có giá rất cao, ngoài khả năng chi trả của Đức Trần.
Quay về Sài Gòn cùng với nỗi ám ảnh của những âm thanh, mà theo lời Đức Trần “hay nhất mà tôi được nghe từ trước đến giờ,” anh bắt đầu tìm kiếm thông tin về chuông gió nhạc thiền. Nhưng khắp Việt Nam không có nhà sản xuất chuông gió nhạc thiền nào.
“Sao mình không là người đầu tiên sản xuất chuông gió nhạc thiền,” đó là suy nghĩ đầu tiên dẫn dắt Đức Trần vào hành trình khởi nghiệp làm chuông gió nhạc thiền. Đó cũng là lý do thương hiệu chuông gió Dofrance được ra đời.
[Lễ hội chuông gió – nét văn hóa độc đáo Xứ hoa Anh đào]
Đức Trần chính thức bắt tay vào dự án nghiên cứu và sản xuất Chuông gió từ giữa cuối mùa hè năm 2012, với những chuyến du ngoạn đến nhiều ngôi chùa Trúc Lâm có vị thế đẹp trên cả nước, để được lắng nghe các giai điệu của những chiếc chuông gió treo tại đây.
Đến tháng 9/2012, sau nhiều lần tính toán trên máy tính, nhiều lần thử nghiệm những chiếc chuông gió phát ra tiếng nhạc hoàn thiện nhất là từ gỗ và nhôm.
Nhôm gỗ và nón lá truyền thống, theo Đức Trần là những món quà giá trị được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân người Việt.
Do đó, những nguyên liệu này được Đức Trần lựa chọn để tạo ra những chiếc chuông gió nhạc thiền phát ra âm thanh ưng í.
Một điều khiến Đức Trần tự tin về Dofrance, đó là một công thức tạo ra âm thanh hoàn toàn khác biệt, thay vì như nhiều người nghĩ mua một cái chuông gió của Mỹ về và mổ xẻ ra rồi bắt chước làm theo.
“Chính vì vậy tôi hoàn toàn tự tin Dofrance có thể cạnh tranh với những chuông gió của nước ngoài,” Đức Trần cho biết.
Đặc trưng nổi bật trong các sản phẩm chuông gió của Đức Trần đó là tiếng chuông phát ra là tiếng chuông nhạc. Tiếng chuông nhạc này chính là nhạc trị liệu.
Theo Đức Trần, bản chất của gió là ngẫu nhiên. Tức không có cơn gió nào giống cơn gió nào. “Nên việc của mình là mượn sự ngẫu nhiên của gió mà tạo ra nhạc. Và phải là nhạc vì nếu không phải nhạc thì chuông gió đó là một nguồn ô nhiễm âm thanh (tạp âm), khoảng cách giữa 1 chuông gió thường với 1 chuông gió nhạc là rất xa,” Đức Trần miêu tả về nguyên lý của Dofrance.
Sau rất nhiều lần thử nghiệm, Đức Trần đã tìm ra cách tạo ra chuông gió đánh ra tiếng nhạc. Nó là tổ hợp của những nốt nhạc ở dãy tần số 432Hz xếp thành hợp âm và có trật tự khi sắp xếp.
Tần số 432Hz gần với tần số tự nhiên của ADN con người. Nên khi tiếng chuông phát ra nó sẽ điều chỉnh lại tần số tự nhiên của chúng ta.
Nó giống như việc mỗi người có một thực đơn âm nhạc riêng cho mình để giải toả tâm hồn mỗi khi hưng phần, vui buồn hay sầu khổ.
Đức Trần cho biết, chuông gió nhạc cùng loại sẽ cộng hưởng nhau như câu nói dân gian: “Đồng thanh thì tương ứng, đồng khí thì tương cầu.”
Chuông gió nhạc trên thế giới thường được sử dụng như một sản phẩm trị liệu. Theo Đức Trần, chuông gió nhạc thiền rất tốt cho sức khoẻ bởi âm thanh của nó hỗ trợ con người trong việc thiền và thư giãn.
“Nghe nhạc thấy hay, thấy hân hoan, thấy được đồng cảm tôi nghĩ thế là đủ,” Đức Trần chia sẻ về tác dụng của tiếng nhạc.
Triết lý bán hàng của Đức Trần cũng khác biệt: “Vạn sự tùy duyên nên chuông gió cũng chỉ bán cho người có duyên, người thích những tần số này hay người cùng tần số sẽ tìm đến nó.”
Thêm một đặc thù nữa, vì đây là sản phẩm thủ công, mỗi sản phẩm có một linh hồn với tính nghệ thuật riêng của nó, nên Đức Trần không mong muốn bán sản phẩm theo cách công nghiệp.
Chính vì vậy, Dofrance mặc dù đã được phân phối ở khắp ba miền, nhưng cũng rất tình cờ khi cũng chỉ thấy nó có mặt ở các thiền viện, tu viện, biệt thự cổ, … những không gian mà người chủ nhân của nó cũng không hề dễ tính.
Theo Đức Trần, chuông gió nhạc với công năng chính là mang lại âm thanh du dương, nó có thể kích hoạt năng lượng cho não bộ giúp tinh thần thoải mái dễ chịu, bình tâm chống lại stress.
Với những âm trầm, chuông gió nhạc rất thích hợp cho những người tu thiền, người thích tĩnh lặng và người lớn tuổi.
Hiện nay, Dofrance gồm những dòng chuông như: chuông lung linh đường kính 14mm; Dòng chuông phổ thông: đất nước gió lửa đường kính ống 20mm, 30mm; Dòng chuông lớn: chuông Vega (Bạch Minh) 40mm, chuông Jupiter (Mộc tinh) 50mm, Chuông Đại Hải Thủy (The Great Water) 50mm… dòng chuông lớn dành cho những người thích âm trầm (tiếng Bass) sâu dày, những tu viện, thiền viện, nơi hoang vắng… những người cùng tần số với nó.
Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về chuông gió, Đức Trần càng bị thôi thúc khi biết được nhiều nơi trên thế giới, thay vì dùng thuốc, người ta dùng âm nhạc để chữa bệnh.
“Và cũng thật bất ngờ, trong bộ chữ Giáp Cốt (chữ Tàu) xưa, chữ Dược (Thuốc) là từ chữ Nhạc mà thành,” Đức Trần cho biết.
Từ những nghiên cứu này, Đức Trần đã ấp ủ một kế hoạch lớn, đó là xây dựng một trung tâm trị liệu không dùng đến thuốc Tây, mà ở đó chỉ có nhạc, thảo mộc, yoga, khí công, thiền, xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt và thực dưỡng. Trong đó, viên gạch đầu tiên của kế hoạch này đó là chuông gió Dofrance./.